Mình sinh ra trong một gia đình thuần nông, không phải con nhà viên chức như mọi người hay nghĩ. Nhà mình có vài sào ruộng, ngoài mùa vụ, ba thường nhận làm thợ hồ, hay chăm sóc cây cảnh cho người ta. Cuộc sống chỉ tạm gọi là đủ ăn đủ sống, không có khoảng tích lũy hay của để dành như người khác. Nhưng với mình đó là cả gia tài.

Nói thật lòng, thì học phí của mình là gánh nặng với ba mẹ. Nhưng ba mẹ chưa bao giờ bảo mình thôi học, hay bắt mình tạm ngưng việc học để phụ giúp ba mẹ làm đồng áng. Chắc cũng vì thế mà mình lớn lên với da dẻ hồng hào, chân tay nho nhã như con nhà giáo. Và mình thường bị bạn bè hiểu lầm là gia đình có điều kiện.
Ở nhà mình có một câu thần chú, có thể vô hiệu hóa tất cả tiếng ồn nhậu nhẹt, hay sai vặt của mẹ. Mỗi lần được mẹ nhờ giúp gì đó, mà mình nhỡ đang học, hay đang làm bài tập, chỉ cần 3 từ “Con đang học” là có thể tạm hoãn tất cả. Vì với ba mẹ mình, sự học là điều đáng quý nhất. Đôi lúc, vì sự ích kỷ, ham chơi mình đã dùng câu nói này để lừa gạt ba mẹ. Càng lớn càng hiểu chuyện, mình đã thôi sự ích kỷ ấy.

Hồi bé, ba hay đau ốm, không đi làm được như bây giờ, lúc ấy nhà 2 chị em đều đang tuổi ăn học, học phí của chị em mình chủ yếu dựa trên tiền bán lúa. Mà ngày ấy ở quê chủ yếu làm nông, đất ít, lại không có máy móc như bây giờ, nên làm nông cực lắm. Nhiều lần đang ăn dở bữa cơm trưa, ba và mẹ phải đội nón, người cào người quét vì cơn mưa giông đột nhiên kéo về. Cũng có hôm tối mịt, ba mới kéo xe lúa từ đồng về. Rồi từ tờ mờ sớm ba mẹ đã dậy để tuốt hết đống lúa để sáng còn đi làm thuê cho người ta.
Cũng vì thu nhập theo mùa vụ, nên mỗi lần đóng học phí phải đợi ba mẹ phơi lúa khô để cân cho người ta. Có đợt, cô giáo hối quá, mình từ bé đã kiêu hãnh, không muốn bị xem thường, nên một hai đòi mẹ đóng ngay, còn dọa nếu mẹ không cho tiền, con sẽ nghỉ học. Cũng không biết khi ấy bố mẹ chạy đâu ra tiền, mà hôm sau đưa mình đóng học phí. Mãi sau này mình mới biết, tiền đó là tiền bán lúa non của ba mẹ.
Hôm nọ, mẹ mình gọi người bán bớt lúa, để giải quyết nợ. Mình hỏi:
-Năm nay lúa được bao nhiêu mẹ nhỉ ?
“7 nghìn một kilôgam”.
Vốn mình hay tính toán, thế là mình ngồi nhẩm, 10 ký là 70.000, 100 ký là 700.000, 1000 ký (tương đường 1 tấn lúa) mới được 7 triệu. Mình nghĩ về những lần gọi về xin học phí mà khóe mắt cay cay. Bởi những lần mình xin học phí, mẹ hay bảo, để mẹ bán thêm một ít lúa là đủ tiền gửi con rồi. Một ít lúa của mẹ, là cả một tấn lúa…
Nếu bạn vẫn chưa rõ một tấn lúa nhiều như thế nào mình sẽ làm thêm một vài phép so sánh cho bạn hiểu. Nhà mình có 4 người, một năm ăn hết khoảng 20 bao lúa, mỗi bao nặng khoảng 50kg, như vậy một năm 1 tấn lúa có thể nuôi sống 4 người trong gia đình mình. Còn học phí của mình giao động từ 12 đến 15 triệu 1 năm, để đóng đủ học phí cho mình ba mẹ ít nhất phải bán đi 2 tấn lúa.
Mình biết, khi đồng tiền ngày một mất giá, việc mang lúa gạo để so sánh với đồng tiền trong thời kỳ kinh tế thị trường chẳng khác nào mang hai chiếc đũa lệch đi so và ép cho chúng bằng nhau. Nhưng mình làm điều này để tự nhắc nhở mình: “Để mình được học hành bằng bạn bằng bè, bố mẹ đã cõng trên vai 2 tấn lúa mỗi năm”. Mình càng trưởng thành trễ bao nhiêu, lưng của bố mẹ sẽ càng nặng bấy nhiêu.
Hôm qua, nghe mẹ bảo lúa lại tiếp tục rớt giá, xuống còn 5.600 đồng. Mình đâm ra lo. Mình nghĩ về những bạn có ba mẹ làm nông như mình sẽ xoay sở học phí từ đâu. Rồi dịch bệnh kéo dài, không thể làm thêm gì để phụ giúp ba mẹ, không biết các bạn ấy có còn đủ sức để tiếp tục theo đuổi ước mơ trên giảng đường đại học hay không? Hành trình đi học của mình và các bạn ấy, không chỉ có sự nỗ lực của tụi mình, mà còn cả sự nỗ lực của ba mẹ.

06/05/2024